1.TẬT KHÚC XẠ LÀ GÌ ?
Ở mắt chính thị, ánh sáng đi vào võng mạc sẽ qua các thành phần gồm :
-
Giác mạc (tròng đen)
-
Thủy tinh thể (cườm khô)
-
Các môi trường lỏng trong suốt khác.
Khi các thành phần này bình thường, hình ảnh của vật sẽ hội tụ đúng trên hoàng điểm, tạo ra ảnh rõ nét của vật truyền về vỏ não theo một đường truyền thần kinh phức tạp.
Nếu có một bất thường nào xảy ra trên đường truyền của ánh sáng đều khiến chúng bị lệch, không hội tụ đúng vào hoàng điểm, hình ảnh thu được sẽ bị mờ hoặc cong méo.
Tật khúc xạ là một tên gọi chung chỉ một nhóm bệnh mắt có bản chất chung là bất thường về khả năng hội tụ hình ảnh lên võng mạc gây triệu chứng mờ mắt.
Tật khúc xạ gồm : Cận thị, Viễn thị, Loạn thị và các hình thái phối hợp giữa cận thị hoặc viễn thị với loạn thị.
-
Cận thị : Khi lực hội tụ quá mạnh và/hoặc trục nhãn cầu quá dài làm cho ảnh của vật hội tụ PHÍA TRƯỚC võng mạc
-
Viễn thị : Khi lực hội tụ quá yếu và/hoặc ảnh của vật hội tụ PHÍA SAU võng mạc
-
Loạn thị : Khi khả năng khúc xạ của các kinh tuyến giác mạc không đồng đều, ảnh của vật KHÔNG HỘI TỤ ĐƯỢC, mà bị tách thành một dải hiển thị TRƯỚC hoặc SAU võng mạc.
(Nguồn Medlatec)
2. NGUYÊN NHÂN GÂY TẬT KHÚC XẠ
Phần lớn tật khúc xạ gây ra là do bất thường bẩm sinh của các bộ phận cấu thành mắt như : giác mạc quá cong, quá dẹt, hoặc giác mạc không đều, trục nhãn cầu ngắn hoặc dài hơn bình thường.
Một phần nhỏ tật khúc xạ gây ra do điều tiết quá mức, đặc biệt, lực điều tiết ở trẻ em rất mạnh. Ví dụ khi điều tiết nhiều trong một thời gian dài như khi xem điện thoại/ học tập nhìn gần, mắt sẽ phải điều tiết.. Nếu sử dụng mắt nhìn gần liên tục, kéo dài khiến mắt phải thường xuyên điều tiết, lâu ngày có thể gây nên co quắp điều tiết dẫn đến cận thị giả.
Giả cận thị là một rối loạn chức năng điều tiết của mắt khiến cho các tia sáng khi đi qua quang hệ mắt bị hội tụ ở tiêu điểm trước võng mạc giống như trường hợp cận thị thật. Hiện tượng giả cận thị cũng có thể xảy ra khi mắt bị viễn thị mà không được chỉnh kính, phải cố gắng điều tiết quá độ. Nếu khám và cấp kính cận cho những trẻ em này, nỗ lực điều tiết càng gia tăng hơn, dẫn đến gia tăng độ cận thị giả, khiến trẻ nhức mắt, đau đầu nhiều.
3.. ĐIỀU CHỈNH TẬT KHÚC XẠ
-
Phương pháp mang kính gọng ngoài : Đây là phương pháp phổ biến nhất, an toàn nhất cho trẻ bị tật khúc xạ. Độ kính được xác định phù hợp để nhằm kéo hình ảnh hội tụ đúng vào võng mạc. Kính gọng cần được kiểm tra 6 tháng/ lần ở trẻ trong độ tuổi dậy thì và 1 năm/lần ở người trưởng thành.
-
Kính áp tròng : Gần đây có phương pháp sử dụng kính áp tròng CỨNG, định hình giác mạc, sử dụng vào ban đêm với mục đích giữ cho giác mạc có hình dạng mong muốn vào ngày hôm sau để điều chỉnh độ khúc xạ TẠM THỜI. Cách điều chỉnh này phù hợp cho các bé ưa vận động, chơi thể thao hoặc biểu diễn nghệ thuật mà việc mang kính gọng có thể bị ảnh hưởng.
-
Phương pháp phẫu thuật : Nguyên tắc của phương pháp này là dùng năng lượng chùm tia laser tu sửa lại hình dạng giác mạc để cho ảnh của vật được hội tụ đúng trên giác mạc, nhờ đó điều chỉnh tật khúc xạ của mắt và giúp cho người có tật khúc xạ không phải điều chỉnh bằng kính mà vẫn đạt thị lực tối đa.