QUẶM BẨM SINH

Quặm mi là một thuật ngữ chỉ tình trạng bờ mi bị cuộn vào trong hoặc hàng lông mi mọc ngược về phía trong nhãn cầu.

Quặm mi có thể xảy ra ở người lớn hoặc trẻ em do nhiều nguyên nhân :

- Bẩm sinh

- Sẹo bờ mi sau một viêm nhiễm như bệnh mắt hột.

- Chấn thương.

- Tổn hại thần kinh gây co quắp mi (quặm mi co thắt).

Trong bài viết này chỉ nói về quặm mi bẩm sinh, là tình trạng bệnh xảy ra ở trẻ em trước 6 tháng tuổi. Ở trẻ em, quặm bẩm sinh có thể do các nguyên nhân ÍT GẶP sau :

  • Khuyết tật cấu trúc sụn mi.
  • Tăng sản cơ vòng mi (cơ vòng mi quá dày và quá mạnh hơn bình thường gây co thắt mi mắt)
  • Bất thường da mi làm cho nếp da mi giữa hai mắt rộng hơn bình thường, kéo mi mắt lộn vào trong.
  • Viêm / chắp/ lẹo để lại sẹo trên mi mắt khiến mi bị cong bất thường.

Rất may, quặm bẩm sinh ở trẻ em PHẦN LỚN là vô căn, chỉ gặp quặm ở mi dưới (sau đây gọi là GIẢ QUẶM BẨM SINH), nghĩa là quặm chỉ là một giai đoạn tạm thời của quá trình phát triển. Điều này thường gặp ở trẻ có khuôn mặt bụ bẫm, mi mắt bị đẩy vào trong gây quặm.  Về sau, khi trẻ lớn, cấu trúc hàm mặt thay đổi, mắt to ra sẽ dần dần đẩy hàng lông mi ra ngoài và trẻ sẽ hết quặm.

1.TRẺ BỊ QUẶM BẨM SINH SẼ CÓ BIỂU HIỆN GÌ ?

Trẻ bị quặm bẩm sinh rất dễ phát hiện tại nhà.

  • Mắt trẻ bị lông mi mọc ngược gây ngứa ngáy, kích thích đỏ mắt, chảy nước mắt, đổ ghèn.
  • Kích ứng hoặc đau mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng và gió
  • Chảy nước mắt với tần suất liên tục
  • Đóng vảy cứng ở mi mắt và tiết dịch nhầy
  • Cảm giác cộm có cát trong mắt
  • Đau khi nhìn thấy ánh sáng chói
  • Khi soi mắt trẻ bằng đèn pin có thể nhìn thấy lông mi mọc ngược  vào giác mạc (tròng đen).
  • Nếu có thể nhìn thấy hai mi mắt trẻ cách xa nhau, nếp mí rộng, bờ mi bị vong vẹo bất thường thì đó là tình trạng nặng, khá hiếm gặp.

2.KHI NÀO QUẶM BẨM SINH GÂY HẠI CHO TRẺ ?

  • Các quặm bẩm sinh có nguyên nhân rõ ràng như chấn thương, viêm chắp lẹo tái phát nhiều lần, bất thường nếp mí mắt và sụn mi, co quắp mí thì thường gây ra tình trạng quặm nặng, nếu không được xử lý sớm gây ra viêm loét giác mạc, về lâu dài tạo sẹo trên giác mạc và mù lòa.
  • Các giả quặm bẩm sinh rất may không ảnh hưởng nhiều đến mắt trẻ do lông mi trẻ còn khá mềm. Phần lớn những trẻ bụ bẫm bị quặm sẽ giảm dần và khỏi khi trẻ lớn.

3.ĐIỀU TRỊ QUẶM BẨM SINH Ở BỆNH VIỆN MẮT TỈNH PHÚ YÊN

* Tật giả quặm bẩm sinh ở trẻ em bụ bẫm, thừa cân thường không điều trị gì cho đến khi trẻ 24 tháng tuổi. Sau 2 tháng mà hàng lông mi vẫn không tự lật ra ngoài thì sẽ phẫu thuật. Cha mẹ có thể thực hiện động tác massage mí dưới bằng cách chờ bé ngủ say, dùng ngón tay trỏ miết vào mi dưới của trẻ để lật hàng lông mi ra ngoài. Động tác này nên thực hiện kiên trì cho đến khi hết hoặc trẻ đủ 24 tháng.

* Các quặm mắc phải hoặc tật giả quặm bẩm sinh không tự khỏi sau 24 tháng sẽ được chỉ định phẫu thuật. Đây là một phẫu thuật đơn giản, thời gian phẫu thuật ngắn ít mất máu và trẻ có thể phục hồi nhanh trong 1-2 ngày sau mổ.

* Khi có đợt viêm trẻ cần được khám và dùng thuốc theo chỉ định.