LÁC (LÉ) MẮT

Lác (lé) là sự lệch trục của mắt so với hướng nhìn bình thường. Theo một thống kê, lác có tần suất gặp ở 3% trẻ em, nếu không điều trị thì 50% số đó sẽ bị nhược thị.

  1. CÁC LOẠI MẮT LÁC

Dựa trên mức độ có hai loại :

  • Lác mắt thường xuyên : Lác mắt diễn ra liên tục, cố định một mắt hoặc hai mắt luân phiên.
  • Lác mắt từng lúc : Lác mắt chỉ xuất hiện khi trẻ mệt mỏi, hoặc mất chú ý, hoặc khi trẻ nhìn xa.

Dựa trên hình thái có ba loại :

  • Lác trong : Trục nhìn của mắt bị lệch về phía mũi.
  • Lác ngoài : Trục nhìn của mắt bị lệch về phía thái dương.
  • Lác đứng : Trục nhìn của mắt bị lệch về phía trên hoặc dưới.
  1. NGUYÊN NHÂN

Lác bẩm sinh : là nguyên nhân chủ yếu, do bất thường phân bố thần kinh điều khiển cơ hoặc bất thường ở cấu trúc cơ vận động mắt. Lác bẩm sinh xuất hiện ngay khi sinh hoặc trong vòng 6 tháng tuổi. Lác được xem là bệnh có tính di truyền.

Lác mắc phải : Các bệnh của mắt ở trẻ em đều có thể gây ra lác. Ví dụ :

  • Tật khúc xạ không được chỉnh kính : cận thị gây lác ngoài, viễn thị gây lác trong.
  • Đục thủy tinh thể : Gây nhược thị -à lác ngoài.
  • Các khối u chèn ép : Chèn ép từ ngoài vào -à lác trong và ngược lại.
  • Rối loạn di truyền như hội chứng Down thường có nếp mí rộng, hai mắt cách xa nhau, kèm lác trong.
  • Liệt thần kinh số III gây sụp mi, giãn đồng tử và lác ngoài. Liệt thần kinh số VI gây lác trong.
  • Các chấn thương gây gãy vỡ xương hốc mắt khiến mắt bị lệch trục…
  1. ĐIỀU TRỊ  MẮT LÁC
  • Điều trị nguyên nhân : Xác định nguyên nhân chính gây lác. Nếu có tật khúc xạ cần chỉnh kính cho trẻ, các khối u, đục thủy tinh thể, chấn thương phải phẫu thuật loại trừ nguyên nhân.
  • Đeo kính điều chỉnh tật khúc xạ. Nhiều trẻ bị lác trong do viễn thị nặng, lác ngoài do cận thị nặng không được chỉnh kính, chỉ cần đeo kính đúng độ trẻ sẽ hết lác.
  • Nhỏ thuốc liệt điều tiết có thể làm giảm tình trạng lác trong, tuy nhiên thuốc có rất nheiefu tác dụng phụ nên hiếm khi được bác sĩ chỉ định dùng tại nhà.
  • Che mắt một bên để cải thiện thị lực mắt bị nhược thị. Trẻ bị nhược thị một mắt sẽ được che mắt lành để bắt buộc mắt nhược thị hoạt động. Biện pháp này chỉ có hiệu quả với trẻ dưới 8 tuổi và hời gian che mắt tối thiểu 3h/ ngày liên tục 3-6 tháng.
  • Phẫu thuật chỉnh lác : Chỉ định phẫu thuật tùy thuộc vào :
  • Tuổi của trẻ
  • Mức độ lác nhiều hay ít.
  • Lác một hay hai mắt.
  • Thị lực của trẻ : Nếu thị lực hai mắt tốt đồng đều cần phẫu thuật sớm để giúp trẻ giữ được thị giác hai mắt. Nếu có một mắt bị nhược thị thì chờ trẻ trưởng thành mới phẫu thuật tránh lác tái phát do mất thị lực.