CHẮP LẸO Ở TRẺ EM

Chắp và lẹo là tình trạng viêm nhiễm phổ biến ở mi mắt trẻ em. Bình thường trên bờ mi có rất nhiều ống tuyến chạy song song với nhau và hướng về phía bờ mi. Các tuyến này sẽ làm nhiệm vụ :

-Tiết nước mắt, tiết chất dầu để làm mắt luôn trong bóng và sáng ;

-Mang chất dinh dưỡng nuôi các bộ phận phần trước của mắt ;

-Tham gia vào hoạt động miễn dịch, phản ứng chống lại các tác nhân gây bệnh như : bụi bẩn, virus, vi khuẩn…

-Tham gia bài tiết các chất bã.

Do đặc điểm cấu tạo như vậy nên khi bị tắc nghẽn vì nhiều nguyên nhân (ví dụ : viêm, chấn thương) sẽ khiến các ống tuyến này bị giãn ra, phồng lên, ứ đọng chất cặn bã lâu ngày ở sâu bên trong sẽ tạo thành chắp, hoặc sẽ nhanh chóng nhiễm khuẩn lộ ra ngoài tạo mủ gọi là lẹo.

1.DẤU HIỆU TRẺ BỊ CHẮP/LẸO

Ở trẻ em, viêm chắp lẹo trên mi mắt có thể khiến trẻ sốt nhẹ, sổ mũi, nổi hạch sau tai hoặc dưới hàm. Dấu hiệu tại mắt gồm :

Chắp

  • Ban đầu có đau nhẹ ở một điểm trên mi mắt. Một số giai đoạn có thể hơi sưng phồng lên. Sau đó sẽ nhanh chóng khu trú thành dạng nốt sần và u khu trú có bao khá cứng và dà, sờ vào có cảm giác du động dưới ngón tay. Khi chắp khu trú thì triệu chứng đau không rõ nữa, ấn vào mới có cảm giác một chút.
  • Các chắp nhỏ thường không ảnh hưởng gì, các chắp lớn có thể gây sụp mi, mất thẩm mỹ.
  • Chắp có thể tồn tại kéo dài từ một vài ngày đến hàng tháng nếu không điều trị.

Lẹo

  • Lẹo xuất hiện cấp tính hơn, sau xuất hiện 1 đến 2 ngày, lẹo sẽ khu trú vào bờ mi.
  • Đau nhiều, đỏ mắt, sưng mí, cộm mắt.
  • Mụn nhỏ nhanh chóng sưng tấy, phù lan ra xung quanh, có thể nhìn thấy tụ mủ màu vàng ở trung tâm.
  • Lẹo xuất hiện cấp tính hơn, nếu không điều trị có thể tự vỡ ra và tạo sẹo xấu ở mi mắt.

2.ĐIỀU TRỊ CHẮP LẸO Ở TRẺ EM

Phần lớn giai đoạn sớm các viêm chắp lẹo tại mắt chưa rõ ràng, viêm nhẹ kèm một vài triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ, sổ mũi nên thường được điều trị bằng thuốc dùng đường uống.

Chườm ấm bằng cách sử dụng gạc (hoặc khăn sạch) nhúng vào nước ấm vắt khô đắp lên mi mắt 2 lần/ ngày, mỗi lần 15 phút.

Cho trẻ uống nhiều nước.

Không được uống nước ngọt có gaz, đồ ăn cay, nóng, gia vị nhiều và dầu mỡ trong thời gian bị bệnh.

Khi các biện pháp trên được thực hiện nhưng chắp/lẹo vẫn tiến triển thì bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ thực hiện thủ thuật chích chắp/lẹo. Mục đích là tạo một đường rạch nhỏ để lấy sạch tổ chức tắc nghẽn bị nhiễm  khuẩn. Một số chắp lâu ngày có thể phải cần một tiểu phẫu để lấy hoàn toàn khối chắp đã bị xơ hóa. Sau thủ thuật trẻ vẫn tiếp tục được dùng thuốc cho đến khi mi mắt phục hồi.