NHỮNG BỆNH MẮT CÓ NGUY CƠ MÙ LOÀ NẾU KHÔNG ĐƯỢC PHẪU THUẬT

NHỮNG BỆNH MẮT CÓ NGUY CƠ MÙ LOÀ

NẾU KHÔNG ĐƯỢC PHẪU THUẬT

Mắt là cơ quan có cấu tạo phức tạp và dễ bị tổn thương. Nhiều bệnh về mắt phải dùng phương pháp phẫu thuật để điều trị. Nếu không phẫu thuật, bệnh ngày càng nặng, thị lực suy giảm dẫn đến mù loà, có thể kèm theo biến chứng đau nhức. Chúng ta cùng tìm hiểu một số bệnh mắt cần phải phẫu thuật đang thực hiện tại Bệnh viện mắt Phú Yên :

  1. ĐỤC THUỶ TINH THỂ (CƯỜM KHÔ) :

Là bệnh gây mù hàng đầu trên thế giới, chủ yếu do lão hoá.  Thuỷ tinh thể bị đục khiến cho ánh sáng bị cản trở không tập trung vào võng mạc. Phẫu thuật là biện pháp duy nhất để điều trị bệnh. Hàng năm, bệnh viện mắt Phú yên phẫu thuật cho hơn 5000 ca bệnh đục thuỷ tinh thể an toàn bằng phương pháp PHACO. Đây là phương pháp mổ có tỉ lệ thành công rất cao, ít đau, không mất máu, không cần nằm viện, chi phí được BHYT chi trả.

  1. GLAUCOMA (CƯỜM NƯỚC)

Glaucoma là một thuật ngữ được sử dụng cho một nhóm các bệnh về mắt, trong đó áp suất chất lỏng bên trong mắt tăng lên, gây chèn ép và làm teo thần kinh thị giác.  Đây là bệnh lý phức tạp, nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mù loà vĩnh viễn, đứng thứ hai sau bệnh đục thủy tinh thể.

Phẫu thuật được thực hiện khi dùng thuốc không hiệu quả. Nguyên tắc phẫu thuật là tạo ra một đường thoát thuỷ dịch, giảm sự chèn ép bên trong nhãn cầu.

  1. MỘNG THỊT

Mộng thịt là khối thoái hóa và tăng sinh của kết mạc nhãn cầu ở vùng khe mi, thường gặp ở người trung niên. Bệnh khá phổ biến ở những nước nằm trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi có nhiều gió, bụi, ánh nắng mặt trời…Ở Việt Nam, mộng mắt chiếm hơn 5% dân số, tập trung nhiều ở vùng ven biển miền Trung. Bệnh làm ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và khả năng thị giác của người bệnh. Trong quá trình tiến triển, mộng có thể gây những biến chứng như viêm kết mạc, chảy nước mắt, nhìn đôi, loạn thị, tầm nhìn hạn chế, nang biểu mô (chứa dịch lỏng), loét giác mạc đầu mộng, gây đục tổ chức giác mạc dưới mộng thịt… Nếu vùng giác mạc trung tâm bị đục thì người bệnh sẽ bị mù lòa.

 Phẫu thuật được coi là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị mộng thịt. Nguyên tắc phẫu thuật là cắt bỏ mộng thịt và bổ sung các biện pháp chống tái phát.

  1. LÁC MẮT

Lác mắt, hay còn gọi là lé mắt, là bệnh mà mắt không di chuyển theo hướng giống nhau khi ta nhìn vào một vật. Mắt lác xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các cơ vận nhãn, tùy theo cơ vận nhãn bị ảnh hưởng mà dẫn đến các kiểu lác như : lác ngoài, lác trong, lác đứng. Lác rất dễ nhận biết khi tự soi gương hay người xung quanh phát hiện thấy mắt lệch. Đối với những trường hợp lác ẩn thì cần khám chuyên khoa mới phát hiện được. Có một số dấu hiệu của bệnh lác :  Mỏi mắt, khả năng tập trung kém, mờ mắt, nghiêng đầu, song thị, nhược thị.

Phẫu thuật được thực hiện để kéo hướng nhìn của mắt về trung tâm ở những trường hợp lác một mắt ở người lớn, lác luân phiên hai mắt ở trẻ nhỏ sau khi đã được tập phục hồi mắt kém hơn.

  1. SỤP MI

Sụp mi là sự sa da mi trên xuống thấp hơn bình thường. Nếu sụp mi nhẹ, sụp mi ở một bên mắt trẻ có thể không có triệu chứng chủ quan hoặc có thể có nheo mắt, nháy mắt khi tập trung quan sát. Nếu sụp mi nặng có thể kèm theo các dấu hiệu như ngửa cổ, rướn trán khi nhìn, nhìn kém, cứng cổ…

Phẫu thuật: là phương pháp hiệu quả nhất để cải thiện tình trạng sụp mi, hiện nay có rất nhiều phương pháp phẫu thuật chỉnh sụp mi như phẫu thuật cắt ngắn cơ nâng mi, phẫu thuật treo cơ trán…

Ths. Bs Nguyễn Thị Băng Sâm