KIỂM SOÁT NGUY CƠ TẬT KHÚC XẠ KHÔNG ĐƯỢC CHỈNH KÍNH

KIỂM SOÁT NGUY CƠ TẬT KHÚC XẠ KHÔNG ĐƯỢC CHỈNH KÍNH

Việt Nam có gần 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ, trong đó ⅔ trường hợp cận thị. Có thể thấy, áp lực học tập cùng với sự tiếp cận dễ dàng của các thiết bị điện tử (tivi, điện thoại, máy tính,…) khiến tỷ lệ mắc tật khúc xạ tăng nhanh.

  1. TẬT KHÚC XẠ LÀ GÌ ?

Tật khúc xạ là tập hợp các hội chứng rối loạn khả năng hội tụ của mắt khiến cho hình ảnh của vật không tập trung trên võng mạc được  khiến cho mắt bị mờ.

Các loại tật khúc xạ :

  • Cận thị là tình trạng khúc xạ của mắt, trong đó các tia sáng song song đi vào mắt hội tụ ở trước võng mạc, khi mắt ở trạng thái nghỉ không điều tiết. Mắt cận thị chỉ có thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng lại không nhìn rõ các vật ở xa.
  • Viễn thị là tình trạng mắt có tiêu điểm sau nằm sau võng mạc, nhìn xa và nhìn gần đều không rõ, vì vậy, mắt phải luôn điều tiết để kéo ảnh của vật ra phía trước trùng lên võng mạc.
  • Loạn thị: nếu như giác mạc người bình thường có hình cầu thì hình ảnh ghi lại sẽ được hội tụ tại 1 điểm trên võng mạc. Riêng với người loạn thị, giác mạc có độ cong khác nhau, hình ảnh thu được sẽ hội tụ tại nhiều điểm trên võng mạc, khiến hình ảnh nhòe mờ, không rõ ràng.

Nguyên nhân tật khúc xạ ở mắt : Nguyên nhân chính gây ra các tật khúc xạ ở mắt là bẩm sinh cấu trúc bất thường của các thành phần trong nhãn cầu như trục nhãn cầu quá dài hoặc quá ngắn,  lực hội tụ của mắt quá mạnh hoặc quá yếu, cấu tạo các mặt khúc xạ của mắt không đều. Những trường hợp có thói quen sinh hoạt không hợp lý như: ngồi sai tư thế, đọc sách báo trong điều kiện thiếu ánh sáng, lạm dụng các thiết bị điện tử,…dễ gây tăng độ khúc xạ, rối loạn điều tiết.

  1. NGUY CƠ TẬT KHÚC XẠ KHÔNG ĐƯỢC CHỈNH KÍNH

Tật khúc xạ không được chỉnh kính sẽ gây ra nhiều hậu quả như : Mỏi mắt, rối loạn điều tiết, biến chứng lác (lé, mại), nhược thị, tật khúc xạ nặng gây bong võng mạc, thoái hóa hắc mạc… Về thể chất có thể gây cong vẹo cột sống lưng, cổ, cứng khớp vai do phải nghiêng đầu, ngoẹo cổ kéo dài. Bên cạnh đó còn gây ra các bất tiện trong sinh hoạt do nhìn không rõ, nguy hiểm khi tham gia giao thông. Trẻ bị tật khúc xạ không nhìn rõ chữ ảnh hưởng đến kết quả học tập, trẻ tự ti, ngại giao tiếp, giới hạn trong lựa chọn nghề nghiệp khi trưởng thành.

  1. VAI TRÒ CỦA Y TẾ HỌC ĐƯỜNG TRONG PHÁT HIỆN SỚM TẬT KHÚC XẠ Ở TRẺ EM.

Tật khúc xạ ở trẻ em được phát hiện sớm sẽ giúp tránh được những nguy hại cho sự phát triển của trẻ. Đó là công tác quan trọng cần được thực hiện tốt bởi một đội ngũ nhân viên y tế học đường có kiến thức vững vàng và kế hoạch thực hiện hiệu quả. Đó là lý do bệnh viện Mắt Phú yên thực hiện nhiều khóa tập huấn chăm sóc mắt học đường cho nhân viên y tế các trường tiểu học và trung học trong tỉnh. Đây là chuỗi chương trình nằm trong dự án “Nâng cao mô hình chăm sóc mắt toàn diện” do The Fred Hollows Foundation (FHF) tài trợ.

Ngày 21/11/2023, đợt 2 của chương trình tập huấn đã được thực hiện tại trung tâm y tế thành phố Tuy Hòa cho 36 (31 nữ, 5 nam, 1 dân tộc thiểu số) nhân viên y tế các trường tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế các phường trên địa bàn thành phố Tuy Hòa. Theo số liệu của phòng  giáo dục Thành phố Tuy Hòa có 13.402 (6476 nữ)  học sinh tiểu học và 10.533 (5463 nữ) học sinh trung học cơ sở. Với số lượng lớn học sinh ở vùng đô thị, hoạt động ngoài trời hạn chế, lạm dụng các thiết bị điện tử trong học tập vui chơi là nguyên nhân trẻ mắc các bệnh về mắt tăng cao. Nội dung tập huấn sẽ cải thiện kỹ năng phát hiện sớm các bệnh mắt và tật khúc xạ ở trẻ em trong khu vực cho nhân viên, bổ sung nội dung truyền thông cho phụ huynh và học sinh, biết cách tư vấn chuyển trẻ em đến đúng cơ sở chuyên khoa mắt điều trị.

Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em là công tác luôn được Bệnh viện mắt Phú Yên quan tâm thực hiện. Trong dự án này, FHF sẽ đồng hành cùng bệnh viện hoàn thiện nhiều mục tiêu vì sự phát triển thể chất, sức khỏe của trẻ em.

Ths. Bs Nguyễn Thị Băng Sâm