BỆNH VIỆN MẮT PHÚ YÊN – 12 NĂM XÂY DỰNG NIỀM TIN

1. GIAI ĐOẠN TRẠM MẮT

Trạm chuyên khoa Mắt được thành lập ngày 01/7/1989, ban đầu chỉ có 03 cán bộ y tế (01 bác sỹ và 02 y sỹ chuyên khoa Mắt). Cơ sở làm việc chỉ có 02 phòng trong một căn hộ xây dựng cho gia đình khoảng 32 m2. Giai đoạn từ 1989-1993 biên chế của Trạm Mắt có 06 người (trong đó 03 Bs, 02 YS chuyên khoa, 01 Điều dưỡng trung học).

Hàng năm Trạm Mắt tổ chức phẫu thuật cho hơn 100 cas đục thủy tinh thể bằng phương pháp mổ trong bao (PTV- BS Nguyễn Thị Minh Hưởng- Nguyên là Lãnh đạo Ngành Mắt Phú Yên qua các thời kỳ, nguyên Giám đốc Sở Y tế Phú Yên). Khi mở chiến dịch mổ với số lượng lớn phải nhờ phẫu thuật viên của Trạm mắt TP. HCM hoặc Khoa mắt Khánh hòa. Sau mổ bệnh nhân phải đeo kính dày 9-10 đi ốp nhưng chỉ nhìn rõ từ 1/10- 2/10. Dụng cụ phẫu thuật phải mài đi mài lại nhiều lần, chỉ khâu khan hiếm, có lúc phải dùng chỉ đuôi chuột tự chế, phòng mổ tạm bợ, dùng vải làm ri đô để che xung quanh, nguồn sáng cho phẫu thuật là đèn pin đội đầu hoặc dùng dây căng ngang để treo đèn pin; công tác tiệt trùng dụng cụ phẫu thuật phải hấp bằng củi, than và luôn có nguời túc trực canh chừng để không bị cháy dụng cụ hấp.

Ngoài công tác phẫu thuật đục thủy tinh thể, Glaucoma, mộng, quặm, Trạm mắt còn thực hiện chương trình Mắt hột học đường, chương trình khô mắt do thiếu Vitamin A trong cộng đồng.

            Năm 1994 là năm khởi đầu về áp dụng khoa học tiên tiến hiện đại.  Trạm nhận 01 máy sinh hiển vi phẫu thuật do tổ chức FHF (The Fred Hollows foundation) tài trợ. Bs Nguyễn Thị Minh Hưởng, BS Huỳnh Phúc Nhĩ và BS Trần Minh Phương được tập huấn mổ phương pháp ngoài bao đặt thủy tinh thể nhân tạo tại Huế do FHF tổ chức. Vạn sự khởi đầu nan, những ngày đầu tự mổ độc lập ngoài bao đặt thủy tinh thể nhân tạo tỷ lệ thành công chưa đạt kết quả như mong đợi.

Hình : Trạm chuyên khoa mắt những ngày đầu

2. GIAI ĐOẠN TRUNG TÂM MẮT

Tháng 3/2003 Trung tâm mắt được thành lập và là Trung tâm có chỉ tiêu giường bệnh (trước nay chủ yếu là hoạt động truyến cơ sở) đây cũng chính là thể hiện sự lớn mạnh, sự quyết tâm không mệt mỏi của Trạm mắt và Ngành Y tế tỉnh nhà.

Năm 2005 xây dựng nâng cấp phòng mổ và khu lưu bệnh nhân (15 giường). Cuối năm 2005 công tác thu dung điều trị tại chỗ chính thức đi vào hoạt động.

Năm 2007, phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp PHACO được áp dụng tại Trung tâm. Đây là bước đột phá mới trong hoạt động phẫu thuật. Thời gian phẫu thuật chỉ từ 5- 7 phút, không đau, không chảy máu, vết mổ nhỏ không cần khâu, thị lực phục hồi sau 2h và người bệnh được xuất viện ngay trong ngày, an toàn, giảm thiểu các biến chứng của phẫu thuật. Điều chỉnh được các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị).

3.GIAI ĐOẠN BỆNH VIỆN MẮT

Hình : Khám mắt tại bệnh viện mắt Phú Yên

Bệnh viện Mắt Phú Yên được thành lập theo Quyết định số 128/QĐ-UBND, ngày 25/01/2011 của UBND tỉnh Phú Yên. Công trình là kết quả của sự tài trợ từ tổ chức FHF và The Atlantic Philanthropies, là công trình trọng điểm kỷ niệm 400 năm Phú Yên và 36 năm ngày giải phóng Phú Yên. Ngày 29/3/2011 chính thức chuyển từ cơ sở 270 Trần Hưng đạo về Bệnh viện Mắt hiện nay tại 124 Nguyễn Thái Học, Phường 5, Tuy Hoà, Phú Yên.

Từ năm 2011, Ban lãnh đạo Bệnh viện Mắt quan tâm đầu tư, trang bị thêm nhiều thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ cho công tác khám, điều trị và phẫu thuật. Cử nhiều lượt viên chức đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hàng năm bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 50.000 lượt người bệnh điều trị ngoại trú; tổ chức phẫu thuật cho hơn 6.000 lượt người mắc các bệnh: đục thủy tinh thể, Glocoma, mộng, quặm và các chấn thương về mắt, trả lại ánh sáng cho người bệnh. Tiêm Avastin nội nhãn, điều trị thành công cho hơn 100 lượt người mắc các bệnh lý võng mạc do đái tháo đường. Duy trì thực hiện tốt chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ”, “Khúc xạ học đường”.

Ths. Bs Nguyễn Thị Băng Sâm (tổng hợp)