TẠI SAO CHÚNG TA NHÌN THẤY

Mắt người là một bộ phận có cơ chế hoạt động phức tạp thứ hai trong cơ thể con người, chỉ sau não bộ.

Con người có 5 giác quan :  thị giácthính giácvị giáckhứu giác và xúc giác giúp chúng ta tồn tại trong môi trường sống. Hoạt động chính của mắt đó là thu nhận và xử lý hình ảnh sau khi tiếp nhận. 90% lượng thông tin chúng ta tiếp nhận hàng ngày là qua thị giác.

 

Để hiểu một cách đơn giản, cơ chế hoạt động của mắt tương tự như cơ chế hoạt động của một chiếc máy ảnh. Tuy nhiên cái máy ảnh này lại cực kỳ phức tạp. Để chụp được ảnh, ánh sáng phản xạ từ vật được khúc xạ qua hệ thống thấu kính và hội tụ tại phim (hoặc được ghi nhận bởi các điểm ảnh kỹ thuật số). Các tín hiệu này sau đó được tập hợp lại sau đó trải qua quá trình rửa ảnh sẽ cho chúng ta các bức ảnh hình

Tương tự như vậy, mắt có hệ “thấu kính” bao gồm giác mạc và thủy tinh thể. Ánh sáng sau khi được khúc xạ qua giác mạc và thủy tinh thể sẽ hội tụ trên võng mạc của mắt. Tại đây tín hiệu ánh sáng sẽ được các tế bào cảm thụ ánh sáng trên võng mạc chuyển thành tín hiệu thần kinh. Sau đó, tín hiệu đó được truyền đến não thông qua hệ thần kinh thị giác và được xác nhận là hình ảnh tại não bộ. Đây chính là cơ chế hoạt động của mắt để bạn nhìn thấy một vật nào đó.

Hình : Mắt thu nhận hình ảnh và truyền đến não bộ

(Nguồn : Wikipedia)

Đối với máy ảnh, chúng ta phải điều chỉnh tiêu cự chính xác và mức độ ánh sáng, khi ống kính bị bẩn phải lau chùi và bảo dưỡng cẩn thận . Trong thực tế mắt chúng ta cũng thực hiện những công việc đó một cách hoàn toàn tự động.

Ví dụ, để thay đổi tiêu cự thì thủy tinh thể sẽ thay đổi độ cong của nó dưới sự điều khiển của cơ thể mi trong mắt. Việc điều chỉnh độ co giãn của mống mắt sẽ làm thay đổi kích thước của lỗ đồng tử, từ đó điều khiển cường độ chùm sáng đi vào. Các tuyến lệ chính và phụ hoạt động giúp cho giác mạc luôn được bôi trơn, nó là một cơ chế vệ sinh và bảo vệ tự nhiên mà tạo hóa ban cho đôi mắt.

Các hoạt động này diễn ra tự động dưới sự điều khiển vô cùng tinh vi của các cơ chế thần kinh, mà không một máy ảnh cao cấp nào có thể sánh kịp.

Hình : Đường dẫn truyền thị giác từ mắt đến vỏ não

(Nguồn : Polyak : The Retina. The University OF Chicago, 1941)

 

Ths. Bs Nguyễn Thị Băng Sâm

(Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức)