RỐI LOẠN ĐIỀU TIẾT

1. SỰ ĐIỀU TIẾT CỦA MẮT

Mắt chính thị khi nhìn vật ở xa, các tia sáng song song sẽ hội tụ trên võng mạc tạo nên một hình ảnh rõ nét. Khi đưa vật lại gần mắt nếu chỉ xét về mặt quang học thì các tia sáng sẽ hội tụ ở sau võng mạc, ảnh thu được sẽ bị nhòe nhưng trên thực tế mắt chúng ta vẫn nhìn rõ thậm chí còn rõ hơn do kích thước của ảnh lớn, đó là nhờ có sự điều tiết của mắt. Sự điều tiết này đã KÉO ẢNH TỪ PHÍA SAU lên đúng võng mạc.

Điều tiết của mắt ảnh hưởng chủ yếu lên thủy tinh thể (cườm). Tức là sự điều tiết sẽ làm thủy tinh thể PHỒNG LÊN hoặc XẸP XUỐNG để điều chỉnh hình ảnh. Như vậy, muốn điều tiết được thì vấn đề quan trọng là thủy tinh thể phải ĐÀN HỒI – khả năng đó chỉ có ở trẻ em và người trẻ.

2. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG CHỨC NĂNG ĐIỀU TIẾT

- Tuổi: Ở trẻ em, lực điều tiết rất mạnh, biên độ điều tiết rất lớn, trẻ nhìn rất gần mắt vẫn điều chỉnh được. Khi tuổi tăng, sức điều tiết và biên độ điều tiết giảm dần, cận điểm ngày càng xa mắt. Sau 40 tuổi, biên độ điều tiết giảm dần không hồi phục theo tuổi do giảm khả năng đàn hồi của thể thủy tinh gọi là hiện tượng lão thị.  Sau khoảng 75 tuổi thì mất hẳn khả năng điều tiết.

- Tình trạng khúc xạ của mắt : Ở cùng một lứa tuổi, biên độ điều tiết của các mắt chính thị, cận thị, viễn thị gần giống nhau, do đó so với mắt chính thị thì mắt cận thị sẽ có cận điểm gần mắt hơn và mắt viễn thị có cận điểm xa mắt hơn.

- Quá trình bệnh lý: chức năng điều tiết có thể bị ảnh hưởng, bị giảm hoặc bị liệt do một số bệnh toàn thân hoặc do bệnh tại mắt như : bạch hầu, glocom, đái tháo đường…

- Các thuốc: một số thuốc có thể làm mắt bị liệt điều tiết như Atropin 0,5% - 4%, Cyclopentolate 1%, Homatropin 1%... Một số thuốc gây giãn đồng tử nên làm giảm chức năng điều tiết mắt như Mydrin P, cao dán chống say xe …

 3. ÁNH HƯỞNG CỦA ĐIỀU TIẾT VỚI BỆNH MẮT Ở TRẺ EM

Khi nhìn gần, mắt sẽ phải điều tiết. Đặc biệt, lực điều tiết ở trẻ em rất mạnh. Nếu sử dụng mắt nhìn gần liên tục, kéo dài khiến mắt phải thường xuyên điều tiết, lâu ngày có thể gây nên co quắp điều tiết dẫn đến cận thị giả.

-         Giả cận thị là một rối loạn chức năng điều tiết của mắt khiến cho các tia sáng khi đi qua quang hệ mắt bị hội tụ ở tiêu điểm trước võng mạc giống như trường hợp cận thị thật.

-          Hiện tượng giả cận thị cũng có thể xảy ra khi mắt bị viễn thị mà không được chỉnh kính, phải cố gắng điều tiết quá độ. Ở những mắt này, khi thể mi điều tiết quá mức (co quắp điều tiết) sẽ xảy ra bù trừ độ viễn thị, làm cho mắt đó trở thành chính thị giả, thậm chí cận thị giả. Nếu khám và cấp kính cận cho những trẻ em này, nỗ lực điều tiết càng gia tăng hơn, dẫn đến gia tăng độ cận thị giả, khiến trẻ nhức mắt, đau đầu nhiều.

Lác (lé) trong điều tiết : Khi trẻ điều tiết nhiều và kéo dài, hai mắt hội tụ vào phía mũi, lâu ngày gây tình trạng lác trong do điều tiết.