PHACO – PHƯƠNG PHÁP TỐT NHẤT ĐỂ PHẪU THUẬT ĐỤC THỦY TINH THỂ

Bệnh nhân có thể bị đục thủy tinh thể trong nhiều năm trước khi thị lực bị ảnh hưởng nhiều buộc phải phẫu thuật. Trong nhiều trường hợp, mắt kính có thể tạm thời giúp cải thiện thị lực. Khi các triệu chứng ngày càng xấu đi và cản trở các hoạt động hàng ngày, phẫu thuật là điều cần thiết.

Khám mắt tổng quát sẽ xác định mức độ của đục thủy tinh thể và phương pháp phẫu thuật phù hợp với bệnh nhân. Trong trường hợp nếu đục thủy tinh quá dày đặc, bác sĩ sẽ cân nhắc hơn việc thực hiện phẫu thuật ngoài bao theo phương pháp cũ.

Các chẩn đoán bao gồm đo thị lực dưới cường độ ánh sáng cao và thấp, dùng kính hiển vi kiểm tra cấu trúc mắt và độ giãn của đồng tử, đánh giá tầm nhìn và đo áp lực nội nhãn, soi đáy mắt

Bệnh nhân cũng phải khám sức khỏe toàn diện trước khi phẫu thuật nhằm giúp các bác sĩ lường trước được những tác nhân khác có thể ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật, cũng như dự đoán được kết quả và hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.

Người bệnh phải thông báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc đang uống vì một số loại thuốc có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình phẫu thuật, chẳng hạn như aspirin làm loãng máu và có thể khiến bệnh nhân bị xuất huyết nội nhãn.

Thực hiện cận lâm sàng cần thiết : Siêu âm B loại trừ bệnh đáy mắt, Siêu âm A-scan được thực hiện nhằm xác định độ dài của nhãn cầu, giúp xác định độ khúc xạ của ống kính nội nhãn. Một số xét nghiệm tiền phẫu khác như chụp x-quang ngực (a chest x-ray), xét nghiệm máu, hoặc xét nghiệm nước tiểu, nếu bệnh nhân có các vấn đề toàn thân khác.

Một số bệnh nhân có thể sẽ phải sử dụng kháng sinh trước khi phẫu thuật để hạn chế nguy cơ bị nhiễm trùng. Nếu bệnh nhân bị đục thủy tinh thể ở cả hai mắt, phẫu thuật chỉ được tiến hành riêng lần lượt với từng mắt. Khi mắt đầu tiên phẫu thuật lành hẳn, mắt còn lại mới được cân nhắc phẫu thuật

BsCK1 Trần Minh Phương

(Khoa điều trị tổng hợp)