BIẾN CHỨNG SAU MỔ ĐỤC THỦY TINH THỂ
Phẫu thuật đục thủy tinh thể hiện nay có độ an toàn cao, rất nhanh chóng và thị lực cải thiện ngay sau mổ. Tuy nhiên, như tất cả các can thiệp nội nhãn khác, biến chứng sau mổ vẫn có thể xảy ra.
-
Đục bao sau: là một trong những biến chứng sau khi thay thủy tinh thể phổ biến nhất. Khi lấy lõi nhân thủy tinh thể ra người ta giữ lại bao của nó và đặt vào trong bao này một thủy tinh thể nhân tạo. Sau một thời gian, phần bao này sẽ bị đục làm giảm thị lực sau mổ. Đục bao sau dễ dàng điều trị bằng một thủ thuật đơn giản là LASER bao sau.
-
Sưng và viêm: trong những ngày đầu hoặc kéo dài đến một tuần sau phẫu thuật. Biến chứng này có thể rất nguy hiểm đối với người bệnh mắc viêm màng bồ đào (bệnh viêm mạn tính của mắt). Viêm nội nhãn rất khó điều trị và ảnh hưởng thị lực sau mổ.
-
Bong võng mạc: lớp võng mạc ở phía sau của mắt có thể bị bong ra sau mổ thay thủy tinh thể. Nguyên nhân có thể do thao tác lấy lõi nhân thủy tinh thể khiến cho phần nội nhãn bị co kéo tác động lên võng mạc. Hơn nữa, kính nhân tạo đặt vào mắt cũng không có độ áp vào dịch kính tốt như thủy tinh thể thật sự gây lỏng lẻo màng võng mạc.
-
Tăng nhãn áp: xảy ra do áp suất của thủy dịch trong mắt tăng cao một cách bất thường. Áp lực do tăng nhãn áp gây ra sức nén lên võng mạc và dây thần kinh thị giác ở mắt. Nhãn áp cũng có thể tăng do thuốc, do phản ứng viêm, do dịch nhầy phẫu thuật còn sót lại chèn ép đường thoát của thủy dịch. Nếu không được điều trị kịp thời, rối loạn này có thể khiến người bệnh bị tổn thương dây thần kinh thị giác, gây ảnh hưởng đến thị lực hoặc bị mù hoàn toàn.
-
Nhiễm trùng: là một biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật đục thủy tinh thể, xảy ra với xác suất là rất thấp, khoảng 0,2%. Điều trị bằng thuốc kháng viêm mạnh tại chỗ và toàn thân.
-
Chảy máu: có thể xảy ra bên trong mắt.
Những biến chứng này tuy có tỷ lệ thấp hơn đục bao sau, nhưng nếu không may gặp phải, thị lực của người bệnh sẽ suy giảm nhanh chóng, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa nếu không được khắc phục kịp thời. Trên thực tế đã có những trường hợp như vậy, vì thế mà ngày càng nhiều người đặt ra câu hỏi “mổ đục thủy tinh thể có nguy hiểm không” trước khi đồng ý thực hiện loại phẫu thuật này.
Hình : Nhỏ thuốc đúng chỉ định để ngăn ngừa biến chứng sau mổ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể
Những người bệnh sau đây có nguy cơ xảy ra biến chứng cao hơn người khác:
-
Người có những bệnh về mắt khác
-
Những người mắc tiểu đường
-
Người sử dụng thuốc giãn cơ Tamsulosin hoặc thuốc chẹn alpha-1.
Phòng ngừa và điều trị biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể
Bác sỹ có thể cho bạn dùng một số loại thuốc sau để ngăn tình trạng ngứa và sưng xảy ra sau phẫu thuật đục thủy tinh thể:
-
Kháng sinh tại chỗ chống nhiễm trùng.
-
Thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ bôi mắt chứa corticosteroid dùng để giảm sưng, nhưng cần cân nhắc với nguy cơ gây ra tăng nhãn áp.
-
Thuốc kháng viêm không chứa Steroid (NSAIDs): Diclofenac, Ketorolac, Naproxen và Voltaren.
Ths. Bs Nguyễn Thị Băng Sâm
(Khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức)